img-detail
calendar 25/04/2024

Suy niệm Lời Chúa: Thứ Sáu tuần IV Phục Sinh

ĐI TRÊN CON ĐƯỜNG GIÊSU

(Cv 13:26-33; Ga 14:1-6)

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB

Hành trình rao giảng của Thánh Phaolô đã đưa ngài đến thành Antiôkhia, nơi lần đầu tiên những người môn đệ của Chúa Giêsu được gọi là “Kitô hữu.” Khi đọc sách Công Vụ Các Tông Đồ, một chi tiết chúng ta thường nhận ra đó là các Tông Đồ không để qua cơ hội nào mà không rao giảng về Đức Giêsu Kitô. Trong bài đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô luôn nắm bắt cơ hội để rao giảng Tin Mừng và chúng ta thường thấy ngài trong các hội đường. Chúng ta vẫn thường nghe thấy danh từ “hội đường.” Nhưng “hội đường là gì? Theo nguyên ngữ [tiếng Hy Lạp], “hội đường” có nghĩa là “tụ họp mọi người,” nhưng nó cũng ám chỉ nơi tụ họp. Theo sử gia cổ đại Josephus [trong Antiquities], hội đường được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, như nơi để cầu nguyện, nơi để Lời Chúa được công bố và giải thích, trường học [Kinh Thánh], nơi những bữa ăn chung diễn ra, toà án xét xử, nơi các cuộc họp chính trị được tổ chức, nơi nhận và phân phát quà từ thiện.

Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta thấy Phaolô đã sử dụng hội đường như nơi để rao giảng Tin Mừng. Nội dung của lời rao giảng của thánh nhân xoay quanh mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu, hay chúng ta còn gọi là Kerygma. Ngài cố gắng chứng minh cho mọi người rằng Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, là Đấng đến hoàn thành lời hứa Thiên Chúa đã hứa với Abraham và con cháu của ông. Lời hứa này được hoàn thành trong sự kiện sống lại của Chúa Giêsu. Điều này giải thích lý do tại sao người Do Thái không nhận biết Đức Giêsu Kitô (Cv 13:27). Đó là vì họ mong chờ một Đấng Cứu Độ “không chịu đau khổ, không chết và không sống lại”; họ mong chờ một Đấng Cứu Độ đến để giải thoát họ khỏi quyền lực của ngoại xâm, chứ không phải khỏi quyền lực của tội lỗi và sự chết. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta điều gì? Thường ngày trong cuộc sống, khi chúng ta mong chờ một cái gì đó, chúng ta thường mong muốn điều đó xảy ra theo cách thức chúng ta muốn. Hoặc khi ai hứa với chúng ta một điều gì, chúng ta thường “tưởng tượng” ra cách thức người đó thực hiện lời hứa của mình theo cách chúng ta vạch ra. Khi sự việc xảy ra không theo cách thức chúng ta mong muốn, chúng ta thường có những phản ứng tiêu cực.

Theo Thánh Phaolô, lời Thiên Chúa hứa với chúng ta sẽ không được thực hiện nếu Đức Giêsu Kitô không sống lại. Đây chính là Tin Mừng chúng ta loan báo: “Còn chúng tôi, chúng tôi xin loan báo cho anh em Tin Mừng này: điều Thiên Chúa hứa với cha ông chúng ta, thì Người đã thực hiện cho chúng ta là con cháu các ngài, khi làm cho Đức Giê-su sống lại, đúng như lời đã chép trong Thánh vịnh 2: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con” (Cv 13:32-33). Những lời này giúp chúng ta nhận ra nội dung của việc loan báo Tin Mừng, đó là Đức Giêsu là Đấng đã đến để hoàn thành lời hứa của Thiên Chúa cho con người qua cuộc khổ nạn, phục sinh và lên trời của Ngài. Việc rao giảng của chúng ta phải được thực hiện qua chính cuộc sống “cũng được phục sinh với Chúa Giêsu.” Nói cách khác, sự sống mới đầy yêu thương, cảm thông và tha thứ trong Đức Kitô là cách thức rao giảng hiệu quả nhất mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta thực hiện.

Ai trong chúng ta cũng đã có lần cảm thấy xao xuyến? Nếu có, chúng ta xao xuyến về chuyện gì? Chúng ta có xao xuyến khi sắp mất đi người thân của mình không? Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta nghe Chúa Giêsu “khuyên” các môn đệ của Ngài đừng xao xuyến. Ngài khuyên họ đừng xao xuyến về việc Ngài sẽ về với Chúa Cha và như vậy họ sẽ không còn được thấy Ngài. Điều Ngài mong muốn nơi họ là: trong giây phút xao xuyến “Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14:1). Để hiểu rõ bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cần đọc đoạn trích này trong bối cảnh gần của nó, đó là bối cảnh nói về việc Chúa Giêsu là đường dẫn đến Chúa Cha (Ga 14:1-11). Đoạn văn này bắt đầu với lời mời gọi: “Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14:1) và kết thúc với lời mời gọi: “Hãy tin vì công việc Thầy làm” (Ga 14:11). Điều này cho chúng ta biết rằng: Chúa Giêsu muốn các tông đồ nếu không tin vào “lời của Ngài” thì những dấu lạ [việc] Ngài làm chính là nền tảng để cho họ tin rằng Chúa Cha và Ngài là một (x. Ga 10:37-38). Chúng ta rút ra được điều gì từ chi tiết này? Qua chi tiết này, Chúa Giêsu cũng muốn nói với chúng ta như đã từng nói với các tông đồ rằng: Nếu các con không tin vào lời Thầy công bố mỗi ngày [hoặc mỗi Chúa Nhật] khi chúng con tham dự thánh lễ [hoặc khi đọc Kinh Thánh], thì chúng con hãy xem những việc Thầy đã làm cho chúng con mỗi ngày để rồi tin rằng Chúa Cha và Thầy là một. Nói cách cụ thể, nếu chúng ta không nhận ra Chúa Giêsu khi “đọc kinh cầu nguyện hay tham dự thánh lễ,” thì cố gắng nhận ra Ngài trong những công việc bé nhỏ thường ngày của chúng ta.

Trở lại với bài Tin Mừng, chúng ta có thể nhận ra hai phần sau: phần 1 (Ga 14:1-4) nói đến “lời khuyên” của Chúa Giêsu, và phần 2 (Ga 14:5-6) trình bày cho chúng ta phần “hỏi đáp” của Chúa Giêsu với Tôma. Trong lời khuyên của Chúa Giêsu, chúng ta thấy Ngài bảo đảm cho họ ba điều sau:

(1) Trong nhà Cha Ngài có nhiều chỗ ở và mỗi người có một chỗ trong nhà Cha Ngài (Ga 14:2). Theo truyền thống, “nhà Cha” được hiểu là Thiên Đàng. Theo thần học bây giờ, một số thần học gia hiểu “nhà Cha” chính là “con tim của Thiên Chúa.” Vì vậy, chúng ta có thể hiểu điều Chúa Giêsu nói như sau: trong con tim của Thiên Chúa, mỗi người chúng ta đều có một chỗ, không ai bị loại trừ ra khỏi trái tim [tình yêu] của Ngài. Tuy nhiên, điều đáng để chúng ta suy gẫm là chúng ta có muốn ở trong tim, trong tình yêu của Ngài hay không?

(2) Chúa Giêsu đi để chuẩn bị chỗ và Ngài sẽ trở lại để đón họ (Ga 14:2-3). Trong câu này, Chúa Giêsu muốn nói với các môn đệ rằng: họ sẽ trải qua những giây phút mà Ngài “không hiện diện” với họ vì Ngài đi về nhà Cha Ngài để dọn chỗ cho họ, và rồi Ngài sẽ trở lại để đón họ. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng cảm thấy “vắng bóng” Chúa Giêsu. Chúng ta đi tìm kiếm Người và đôi khi chúng ta kêu gào trong thất vọng. Trong những giây phút như vậy, chúng ta cần nhớ rằng: Chúa Giêsu luôn nghĩ đến chúng ta và đang chuẩn bị cho chúng ta một chỗ trong cung lòng của Chúa Cha. Tuy nhiên, liệu khi Chúa Giêsu đến đón chúng ta vào trong cung lòng của Chúa Cha, chúng ta có nhận ra Ngài và đi theo Ngài không?

(3) Chúa Giêsu muốn Ngài ở đâu thì các môn đệ sẽ ở đó với Ngài. Điều này hàm chứa một ý nghĩa sâu xa cho chúng ta ngày hôm nay [nhất là những người sống đời thánh hiến]. Chúng ta thường mong muốn có một chỗ ở thật tốt, thật đẹp, và thật tiện nghi. Nói cách đơn giản, chúng ta thường tìm cho mình những nơi hợp với “khẩu vị” của mình. Điều này càng ngày càng làm cho chúng ta khó chấp nhận sống những nơi mà không đáp ứng được nhu cầu và sự mong muốn của chúng ta. Chi tiết thứ ba này mời gọi chúng ta đặt lại tầm quan trọng của “nơi chốn” chúng ta cư ngụ. Chúa Giêsu chỉ có một nơi cư ngụ mà Ngài ưa thích, đó là cung lòng của Chúa Cha. Điều này ám chỉ rằng: ở đâu không quan trọng, điều cần thiết và quan trọng là dù ở đâu chúng ta cũng cảm nghiệm được mình đang ở với Chúa Giêsu trong cung lòng, trong tình yêu của Chúa Cha.

Chúa Giêsu kết thúc lời khuyên bằng việc khẳng định về sự hiểu biết của các môn đệ về con đường mà Ngài sẽ đi: “Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi” (Ga 14:4). Như chúng ta đã biết, theo Thánh Gioan, sự hiểu biết của các môn đệ Chúa Giêsu luôn có giới hạn. Điều này được diễn tả trong câu hỏi của Tôma: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao biết được đường?” (Ga 14:5). Có một sự hiểu lầm ở đây: Chúa Giêsu nói về “đường đi” [phương tiện], còn Tôma thì nghĩ về “nơi chốn” [mục đích/điểm đến]. Vì không biết mục đích hay nơi đến nên sẽ không biết phương tiện để đạt mục đích hay đường đi để đến nơi cần đến. Chính sự giới hạn về hiểu biết của các môn đệ mà Chúa Giêsu, một lần nữa mạc khải cho họ về chân tính của Ngài: “Chính Thầy là con đường là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14:6). Trong câu này, Chúa Giêsu lại khẳng định vai trò trung gian duy nhất của Ngài: chỉ qua Ngài, chúng ta mới có thể đến được với Chúa Cha. Ngài là “con đường” dẫn đến “sự thật và sự sống.” Nhìn từ khía cạnh này, Chúa Giêsu khẳng định Ngài không chỉ là “người dẫn” đến ơn cứu độ, nhưng còn là suối nguồn của sự sống và sự thật. Ai sống trong Chúa Giêsu, người đó đạt được ơn cứu độ và luôn sống vui và sống thật.