img-detail
calendar 18/04/2024

Suy niệm Lời Chúa: Thứ Sáu tuần III Phục Sinh

SỐNG VỚI SỰ SỐNG CỦA CHÚA

(Cv 9:1-20; Ga 6:52-59)

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB

Có bao giờ chúng ta chọn kẻ thù của chúng ta để làm người đại diện cho chúng ta không? Chắc chắn là không, nhất là trong lãnh vực kinh tế thị trường với nhiều cạnh tranh như ngày hôm nay. Chúng ta thường nghe nói rằng: “Chọn bạn mà chơi,” chứ không ai nghe “chọn kẻ thù mà biến thành bạn.” Bài đọc 1 hôm nay cho chúng ta thấy tư tưởng của Thiên Chúa khác với tư tưởng con người biết bao. Ngài chọn người “bắt đạo” để biến thành khí cụ “truyền đạo.”

Chúng ta thường nghe trích đoạn sách Công Vụ Các Tông Đồ hôm nay trong lễ Thánh Phaolô trở lại. Có thể nói, đây là câu chuyện về ơn gọi của Thánh Phaolô, người tông đồ cho dân ngoại. Đọc k, chúng ta nhận ra rằng ơn gọi của Thánh Phaolô cũng bắt đầu như ơn gọi của các Tông Đồ khác, đó là ơn gọi được xảy ra trong khi ngài làm nhiệm vụ của mình, dù nhiệm vụ của ngài hoàn toàn “bất lợi” cho dân Chúa. Chúng ta có thể rút ra những yếu tố sau đây trong hành trình ơn gọi của Thánh Phaolô:

Thứ nhất, trước khi được gọi, thánh nhân có kế hoạch riêng cho cuộc sống của mình: “Bấy giờ, ông Saolô vẫn còn hằm hằm đe doạ giết các môn đệ Chúa, nên đã tới gặp thượng tế xin thư giới thiệu đến các hội đường ở Đamát, để nếu thấy những người theo Đạo, bất luận đàn ông hay đàn bà, thì bắt trói giải về Giêrusalem” (Cv 9:1-2). Kế hoạch của ngài la “giết hết” các môn đệ Chúa. Chúng ta cũng thường có kế hoạch cho riêng mình. Điều đó không có gì sai. Nhưng câu hỏi chúng ta cần suy gẫm ở đây là liệu kế hoạch của chúng ta có tương hợp với kế hoạch của Chúa cho cuộc đời của chúng ta không?

Thứ hai, “được gọi tên” khi đang làm công việc thường ngày: “Vậy đang khi ông đi đường và đến gần Đamát, thì bỗng nhiên có một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông. Ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với ông: Saun, Saun, tại sao ngươi bắt bớ Ta?’” (Cv 9:3-4). Như chúng ta biết, “gọi tên” là thiết lập quan hệ hoặc muốn bắt đầu một cuộc đối thoại. Chắc chắn là người gọi đã biết người được gọi, còn người được gọi chưa chắc đã biết người gọi. Nên có nhiều ngỡ ngàng và ngạc nhiên từ phía người được gọi. Đây là yếu tố thứ ba trong các ơn gọi. Chúng ta thấy điều này xảy ra cho Saun. Sự ngỡ ngàng đã làm cho ông thốt lên: “Thưa Ngài, Ngài là ai?” Và người gọi liền mạc khải chính mình: “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ (Cv 9:5). Và như vậy, cuộc đối thoại bắt đầu. Khi chúng ta nghe Chúa gọi tên chúng ta trong từng giây phút sống, chúng ta có đáp lại không? Để có khả năng đáp lại tiếng Chúa trong từng hoàn cảnh sống, chúng ta phải có thái độ “ngạc nhiên,” hay “ngỡ ngàng” trong những cái “quen thuộc” của cuộc sống thường ngày. Nhìn thấy cái mới trong cái cũ là chìa khoá khám phá ra hạnh phúc và sự hiện diện của Thiên Chúa.

Thứ tư, sau khi đáp trả, người được gọi đi theo kế hoạch của Đấng gọi mình: “Nhưng ngươi hãy đứng dậy, vào thành, và người ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì” (Cv 9:6). Không những thế, người được gọi còn phải làm những điều mà Người gọi muốn họ làm. Chúa tỏ ra điều này cho ông Khanania: “Cứ đi, vì người ấy là lợi khí Ta chọn để mang danh Ta đến trước mặt các dân ngoại, các vua chúa và con cái Israel. Thật vậy, chính Ta sẽ chỉ cho người ấy thấy tất cả những đau khổ người ấy phải chịu vì danh Ta” (Cv 9:15-16). Khi đi theo Chúa Giêsu, chúng ta không còn làm chủ cuộc đời của mình, nhưng phó thác mọi sự vào tay Ngài để trở nên lợi khí mang danh Ngài đến cho người khác. Khi cố gắng làm theo kế hoạch của mình, chúng ta chỉ kết thúc ở việc tìm kiếm chính mình và lợi danh của mình. Chúng ta thấy Thánh Phaolô khi đã bỏ đi kế hoạch của mình ngài bắt đầu “rao giảng Đức Giêsu trong các hội đường, rằng Người là Con Thiên Chúa” (Cv 9:20). Thánh nhân bắt đầu rao giảng Đấng mà trước kia Ngài không chấp nhận để cho Ngài bước vào trong cuộc đời. Thật vậy, khi không để Chúa bước vào trong cuộc đời của mình, chúng ta thường có những thái độ chống đối và loại trừ những người đi theo Ngài. Còn khi để Chúa bước vào cuộc đời của mình, chúng ta sẽ được biến đổi và cái nhìn của chúng ta về cuộc sống và những người chúng ta không thích trước đó cũng sẽ được thay đổi. Thật vậy, mọi sự sẽ trở nên đẹp hơn và mọi người sẽ trở nên dễ thương hơn khi chúng ta để cho Chúa bước vào trong cuộc đời của chúng ta.

Trong câu chuyện về ơn gọi của Thánh Phaolô hôm nay, chúng ta còn nghe một câu chuyện về “ơn gọi” khác xảy ra với ông Khanania. Điều làm chúng ta suy gẫm là thái độ của Khanania. Ông ta đổi cách xưng hô trong tương quan với Thánh Phaolô. Cụ thể là trước đó ông xem Thánh Phaolô là người làm “tất cả những điều ác” cho dân thánh Chúa tại Giêrusalem (x. Cv 9:13). Nói đúng hơn, ông xem Thánh Phaolô là kẻ thù. Nhưng sau khi Chúa nói với ông về kế hoạch của Ngài cho Thánh Phaolô, ông đã ra đi và thực hiện điều Chúa mun và không còn xem Thánh Phaolô là “kẻ bắt bớ đạo Chúa” nhưng là “người anh em”: “Anh Saun, Chúa đã sai tôi đến đây, Người là Đức Giêsu, Đấng đã hiện ra với anh trên đường anh tới đây. Người sai tôi đến để anh lại thấy được và để anh được đầy Thánh Thần” (Cv 9:17). Khi để Chúa bước vào đời sống của chúng ta qua cầu nguyện và hy sinh, không những kẻ thù của chúng ta được biến đổi, nhưng chính chúng ta sẽ thay đổi từ thái độ hận thù đến thái độ yêu thương đối với kẻ thù của chúng ta.

Bài Tin mừng hôm nay kết thúc phần giảng dạy của Chúa Giêsu về bánh hằng sống. Những lời giảng dạy của Chúa Giêsu đã gây tranh cãi sôi nổi [chia r] giữa những người Do Thái (x. Ga 6:52). Điều này ngụ ý sự khác biệt trong nhận thức về những lời Chúa Giêsu nói với họ, tức là có người hiểu và có người không hiểu, có người hiu sâu và có người hiểu nông cạn. Họ không thể hiểu được việc Chúa Giêsu lấy thịt và máu mình cho họ ăn và uống. Họ vẫn không thể vượt qua “dấu lạ” để đến với thực tại, không thể vượt qua cái thể lý để đến với cái siêu hình [thiêng liêng]. Đứng trước khó khăn này của họ, Chúa Giêsu giải thích cho họ một cách rõ ràng hơn. Chúa Giêsu sử dụng “tính bắc cầu” trong lời giải thích của mình: nhưng ai ăn thịt và uống máu Ngài sẽ có sự sống trong Ngài như Ngài sống là nhờ Chúa Cha. Như vậy, sự sống ở trong chúng ta khi ăn thịt và uống máu Ngài chính là sự sống mà Ngài nhận từ Chúa Cha. Chúng ta cùng nhau phân tích chi tiết hơn bài Tin Mừng hôm nay, hầu rút ra những sứ điệp cần thiết cho ngày sống.

Chúa Giêsu trình bày giải thích của mình theo hai hướng: (1) hướng tiêu cực – “nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình” (Ga 6:53); và (2) theo hướng tích cực – “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống” (Ga 6:54-55). Điều này mang lại sự cân bằng trong lối giải thích. Nói cách bình dân là lời giải thích của Chúa Giêsu mang tính cách thưởng và phạt: không làm sẽ bị phán xét, làm sẽ được thưởng. Chúa Giêsu đặt luận chứng của Ngài trên kinh nghiệm quen thuộc hằng ngày: khi chúng ta không ăn thức ăn thì cơ thể chúng ta sẽ bị suy dinh dưng và sẽ chết dần chết mòn. Còn khi chúng ta ăn uống đầy đủ, sự sống thể lý của chúng ta được bồi dưỡng. Chúng ta nuôi dưỡng sự sống thể lý bằng những của ăn ngon. Chúng ta có nuôi dưỡng sự sống thiêng liêng với Mình và Máu thánh của Chúa Giêsu không?

Trong lời giải thích, Chúa Giêsu chỉ ra mối tương qua cht chẽ giữa Ngài với người ăn thịt và uống máu Ngài. Ngài so sánh mối tương quan này với tương quan không thể tách rời giữa Ngài Chúa Cha: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (Ga 6:56-57). Như vậy, ai ăn thịt và uống máu Chúa Giêsu sẽ có sự sống mà Ngài nhận được từ Chúa Cha. Nói cách khác là họ được thông hiệp hay chia sẻ trong sự sống thần linh của Thiên Chúa. Và Chúa Giêsu kết bài giảng của mình với lời khẳng định mà Ngài nói khi bắt đầu bài giảng: Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6:58). Câu này ngụ ý rằng sự sống thần linh đến từ trời. Chỉ khi chúng ta hướng lòng về trời chúng ta mới tìm thấy ở đó quê hương và sự sống đích thực của chúng ta đang mong chờ.