img-detail
calendar 17/04/2024

Suy niệm Lời Chúa: Thứ Năm tuần III Phục Sinh

THÁNH THỂ: SUỐI NGUỒN SỰ SỐNG THIÊNG LIÊNG

(Cv 8:26-40; Ga 6:44-51)

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB

Câu chuyện của Thánh Philíphê mà chúng ta nghe hôm qua được tiếp tục và phát triển sang một giai đoạn mới. Nói cách khác, trong bài đọc 1 hôm nay, chúng ta thấy rõ sứ vụ rao giảng Tin Mừng của các Tông Đồ vượt sang một giai đoạn mới, một “châu lục mới” qua hình ảnh rửa tội của viên thái giám người Êthiôpia. Hơn nữa chúng ta còn nhận ra trong bài đọc 1 hôm nay “cấu trúc đầu tiên của chương trình giáo lý tân tòng.” Cấu trúc này được sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và có hai giai đoạn căn bản sau: (1) đồng hành và giải thích Tin Mừng [hướng dẫn để hiểu về đức tin] (Cv 8:26-35), (2) phép rửa (Cv 8:36-38). Một trong những điều kiện cần thiết để chịu Phép Rửa đó là: “Ông Philípphê đáp: Nếu ngài tin hết lòng, thì được. Viên thái giám thưa: Tôi tin Đức Giê-su Kitô là Con Thiên Chúa’” (Cv 8:37). Yếu tố đức tin là điều nối kết hai bài lời Chúa ngày hôm nay. Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu cho chúng ta biết rằng đức tin là yếu tố cần thiết để có sự sống đời đời. Điều này giúp chúng ta rút ra được bài học từ hai bài đọc: hiệu quả của Bí Tích Rửa Tội là mang lại cho chúng ta sự sống mới trong Đức Kitô, sự sống đời đời.

Một điều chúng ta cần lưu ý trong bài đọc 1 là vai trò của Chúa Thánh Thần [Thần Khí]: “Thần Khí nói với ông Philíphê [những việc cần phải làm]” (Cv 8:26,29), “Thần Khí đem ông Philíphê đi mất” (Cv 8:39). Một cách cụ thể, trong sứ vụ rao giảng, Giáo Hội tuyên xưng rằng: Chúa Thánh Thần là Đấng dùng miệng các vị thánh ngôn sứ và tông đồ xưa để phán dạy. Ngày hôm nay, Ngài cũng muốn dùng môi miệng chúng ta để công bố Tin Mừng tình yêu của Thiên Chúa. Liệu chúng ta có cho phép Ngài nói qua chúng ta không? Vai trò thứ hai của Thần Khi là đem những người được sai đi đến những nơi Ngài muốn. Đời sống trong Thần Khí là một đời sống hoàn toàn tự do: “tự do khỏi” những ước muốn của riêng mình để hoàn toàn “tự do cho” việc phục vụ Tin Mừng.

Để hiểu rõ bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cùng nhau phân tích cấu trúc và lối giải thích “bài giảng” của Chúa Giêsu: Đầu tiên, trong câu 44, chúng ta thấy Chúa Giêsu sử dụng nguyên tắc “nhân-quả” để nói đến lý do đằng sau việc chúng ta đến với Ngài: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy; và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết. Chúng ta đến với Chúa Giêsu là do Chúa Cha lôi kéo chúng ta. Thiên Chúa luôn luôn là Đấng đi bước trước, Đấng bắt đầu mọi sự. Chúng ta là những người đáp trả. Điều này làm chúng ta phải ngạc nhiên, vì chúng ta thường nghĩ rằng chúng ta là những người “chủ động đến” với Chúa Giêsu. Tuy nhiên, Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng: trước khi chúng ta đến với Chúa Giêsu thì Chúa Cha đã ban cho chúng ta ơn sủng, đặt vào trong chúng ta khát khao được gần Ngài. Hãy đáp trả, đừng do dự khi được Chúa Cha lôi kéo để đến với Chúa Giêsu.

Hai câu 45 và 46 nói đến Giáo Huấn của Chúa Giêsu dành cho tất cả những người đến với Ngài. Ngài dạy dỗ điều gì? Ngài dạy cho chúng ta về Chúa Cha, về những gì Ngài đã thấy: “Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi. Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha.” Trong những lời này, chúng ta nhận ra được định luật trong cuộc sống mà chúng ta đã từng nghe, đó là “chúng ta không thể cho những gì chúng ta không có.” Nói cách cụ thể, chúng ta không diễn tả cách chân thật về một sự vật hay một người nếu chúng ta chưa nhìn thấy hoặc gặp gỡ cách cá vị. Chúa Giêsu chỉ giáo huấn chúng ta về những gì Ngài đã thấy, đó là tình yêu vô điều kiện và tuyệt đối Chúa Cha dành cho Ngài đến nỗi trao ban cho Ngài mọi sự, ngay cả sự sống của mình. Đó chính là tình yêu mà Chúa Giêsu ban cho những ai đến với Ngài: Ngài ban tất cả, ngay cả sự sống của Ngài. Đây là lời mời gọi cho mỗi người chúng ta mỗi khi chúng ta lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể. Chúng ta thấy và cảm nghiệm cách sâu xa tình yêu trao bao trọn vẹn của Chúa Giêsu dành cho chúng ta, nên chúng ta cũng phải công bố cho người khác tình yêu đó qua đời sống phục vụ của chúng ta.

Câu 47 trình bày cho chúng ta điều kiện để có sự sống đời đời: “Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời.” Đây là đề tài nối kết hai bài đọc ngày hôm nay. Tuy nhiên, chúng ta cần phải lưu ý rằng: Tin không phải là một cái gì lý thuyết. Tin là một lối sống. Nói cách cụ thể hơn, khi tôi nói tôi tin Chúa, có nghĩa là “từ nay trở đi cuộc sống của tôi sẽ khác với những người không tin Chúa vì cuộc sống của tôi là một “bức hoạ” cuộc sống của Thiên Chúa tôi tôn thờ.” Tin Chúa mà không thay đổi và sống khác với những người không tin Chúa và không sống giống Chúa mỗi ngày thì vẫn chưa tin Chúa cách chân thật.

Cuối cùng, câu 48 đến câu 51 khẳng định Chúa Giêsu là ai và hiệu quả của việc “đón rước” Ngài vào trong cuộc đời của chúng ta: “Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn manna trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.” Trong những câu này, chúng ta thấy Chúa Giêsu cũng phân biệt cho chúng ta sự khác biệt giữa manna và bánh hằng sống là chính Ngài. Trong bối cảnh của bài Tin Mừng, Chúa Giêsu phân biệt cho chúng ta hai loại sự sống và hai loại sự chết: sự sống và sự chết thể lý và sự sống và sự chết thiêng liêng. Ai trong chúng ta cũng phải trải qua cái chết thể lý. Sự sống đời đời mà Chúa Giêsu ám chỉ là sự sống thiêng liêng. Như vậy, khi đón nhận Chúa Giêsu như bánh hằng sống trong Bí Tích Thánh Thể, đời sống thiêng liêng của chúng ta sẽ không chết đời đời. Nếu Thánh Thể có vị trí quan trọng như thế trong đời sống thiêng liêng, chúng ta đã đặt đúng vị trí của Thánh Thể trong đời sống của chúng ta chưa? Chúng ta đã có những thái độ xứng hợp khi đến với Thánh Thể chưa?