img-detail
calendar 16/04/2024

Suy niệm Lời Chúa: Thứ Tư tuần III Phục Sinh

SỐNG ĐỜI SỐNG YÊU THƯƠNG, KHÔNG LOẠI TRỪ

(Cv 8:1b-8; Ga 6:35-40)

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB

Có một định luật trong đời rằng: mục đích của khó khăn là để chứng tỏ sức mạnh. Có thể chúng ta đã chứng kiến một mầm cây mọc lên; nếu chúng ta lấy một cái gì đè lên nó, nó sẽ tìm cách len li và vươn lên. Một con vật cũng thế, khi nó muốn một cái gì, nó không bao giờ bỏ cuộc, dù có khó khăn như thế nào. Nó chỉ bỏ cuộc khi sự vật đó không còn hiện hữu. Định luật này cũng xảy ra trong đời sống con người. Khó khăn xảy ra không phải để làm chúng ta nản chí và bỏ cuộc. Mục đích của khó khăn là tôi luyện chúng ta về đức kiên nhẫn và hy vọng, làm cho chúng ta sáng tạo hơn và thử thách sự trung thành của chúng ta. Một người bỏ cuộc khi gặp khó khăn thì người đó chứng tỏ mình chỉ sống theo nguyên tắc: “thuận theo chiều gió” [gió thổi chiều nào, tôi theo chiều đó].

Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta về hoàn cảnh của Hội Thánh Tiên Khởi ở Giêrusalem bị bắt bớ. Việc bắt bớ này đã không làm các Tông Đồ bỏ cuộc, nhưng trở nên sáng tạo hơn trong việc rao giảng của mình. Các Ngài không còn nhóm họp một ch như trước, nhưng tản mác về các vùng quê (x. Cv 8:1b). Chính điều này, các Tông Đồ mới dần hiểu được mệnh lệnh của Chúa Giêsu: hãy đi khắp nơi mà rao giảng cho muôn người. Nhìn tứ khía cạnh này, chúng ta có thể nói rằng: Thiên Chúa có thể dùng hoặc cho phép những khó khăn xảy ra để kế hoạch của Ngài cho chúng ta được thực hiện.

Hình ảnh của Saolô mà chúng ta nghe trong câu cuối cùng của bài đọc 1 hôm qua càng ngày càng trở nên đáng sợ hơn cho các tin hữu: “Còn ông Saolô thì cứ phá hoại Hội Thánh: ông đến từng nhà, lôi cả đàn ông lẫn đàn bà đi tống ngục” (Cv 8:3). Vì sự phá hoại Hội Thánh của Phaolô làm cho các Tông Đồ phải tản mác này đi khắp nơi loan báo lời Chúa” (Cv 8:4). Điều này lặp lại tư tưởng chúng ta vừa đề cập ở trên: Thiên Chúa có thể mang lại những điều tốt lành từ những “sự dữ” mà con người tạo ra. Chi tiết này giúp chúng ta vững tin và có cái nhìn lc quan trước những khó khăn và đau khổ người khác tạo ra cho mình: Đối với con người thì không thể, nhưng đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể” (Mt 19:26).

Trong số các Tông Đồ, Thánh Philiphê, được kể đến, là người đầu tiên thực hành sứ vụ rao giảng ở một thành miền Samaria. Thánh nhân không chỉ rao giảng Đức Kitô bằng lời, nhưng còn bằng những dấu lạ kèm theo. Những dấu lạ thánh nhân thực hiện là những điều Chúa Giêsu đã thực hiện trong cuộc đời sứ vụ của Ngài, đó là trừ quỷ và chữa bệnh: “Thật vậy, các thần ô uế vừa kêu lớn tiếng vừa xuất khỏi nhiều người trong số những kẻ bị chúng ám. Nhiều người tê bại và tàn tật được chữa lành” (Cv 7:7). Chính đời sống chứng tá và rao giảng bằng lời và hành động này làm cho “trong thành, người ta rất vui mừng” (Cv 7:8). Về phần chúng ta, những lời nói và hành động trong ngày sống của chúng ta có mang lại niềm vui cho người khác không?

Câu mở đầu của bài Tin Mừng hôm nay lặp lại câu kết của bài Tin Mừng hôm qua để nói lên việc Chúa Giêsu chính “là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ (Ga 6:35). Nhưng người Do Thái không tin dù đã thấy dấu lạ Ngài thực hiện. Không chỉ thấy dấu lạ, họ con nhìn thấy Đấng làm dấu lạ mà vẫn không tin. Điều này đôi khi cũng xảy ra trong ngày sống của chúng ta. Chúng ta đã chứng kiến nhiều dấu lạ Chúa thực hiện, nhưng chúng ta không chỉ không tin vào dấu lạ mà còn không tin vào Đấng thực hiện dấu lạ đó.

Điều đầu tiên chúng ta cần suy gẫm là tâm tình đầy yêu thương của Chúa dành cho mỗi người trong chúng ta, những con người yếu đuối tội lỗi, khi đến với Ngài: “Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6:37-38). Những lời đáng để chúng ta suy gẫm là: “ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài.” Chúng ta phải thú nhận rằng, nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta đã không đón tiếp anh chị em của mình khi họ đến với chúng ta. Chúng ta loại trừ họ ra khỏi con tim và cuộc sống của mình khi họ làm chúng ta tổn thương hoặc khi họ không thuộc về “những người chúng ta tuyển chọn.” Chúa Giêsu nêu gương cho chúng ta. Ngài không loại trừ một ai. Ngài đón tiếp từ người giàu đến người nghèo, từ người có học thức đến người thất học, từ người có địa vị cho đến người không có tiếng nói trong xã hội, từ người cùng quê hương của mình đến những người ngoại tộc. Ngài đón tiếp hết mọi người, quan tâm đến nhu cầu của họ và làm những gì tốt nhất cho họ. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại con tim và cách đối xử của mình với người khác: hãy đón tiếp mọi người như Chúa Giêsu hằng đón tiếp chúng ta ngay cả khi chúng ta phạm tội và trở về với Ngài.

Sống trong xã hội bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa cá nhân, chúng ta thường đề cao ý riêng của mình. Chúng ta thường cảm thấy mất tự do khi phải làm theo mệnh lệnh [ý] của người khác; nếu có làm theo, chúng ta thường cảm thấy khó chịu và nặng nề. Một trong những điều trái ngược là ai trong chúng cũng muốn đi tìm thánh ý Thiên Chúa để thực hiện. Nhưng khi thánh ý Thiên Chúa được tỏ hiện và dường như “ngược” với điều chúng ta muốn, chúng ta trở nên chống đối và mất niềm tin. Chúng ta tìm đủ mọi cách để biện minh và giải thích theo ý mình về thánh ý Chúa.

Điểm cuối cùng chúng ta suy gẫm trong bài Tin Mừng hôm nay là việc Chúa Giêsu trình bày cho chúng ta ý của Chúa Cha là gì: ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6:39-40). T những lời này, Chúa Giêsu cho chúng ta biết thánh ý của Chúa Cha là chúng ta “không bị vuột mất khỏi vòng tay yêu thương của Chúa Giêsu.” Chúa Cha muốn tất cả chúng ta được cứu độ, được sống lại trong ngày sau hết. Tuy nhiên, Chúa Giêsu cũng giải thích thêm: để đạt được sự sống đời đời hay không phải mất đi, chúng ta phải tin vào Ngài sau khi đã “thấy” Ngài. Như vậy, vấn đề quan trọng ở đây không phải là nhìn thấy dấu lạ mà “nhìn thấy Đấng làm dấu lạ” và tin vào Ngài.