img-detail
calendar 15/04/2024

Suy niệm Lời Chúa: Thứ Ba tuần III Phục Sinh

CHÚA GIÊSU: BÁNH TRƯỜNG SINH

(Cv 7:51 – 8:1a; Ga 6:30-35)

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB

Như chúng ta đã trình bày, các Tông Đồ và môn đệ của Chúa Giêsu được mời gọi họa lại cuộc đời của Chúa Giêsu trong cuộc đời của mình. Nói cách khác, từ lời nói đến việc làm của Chúa Giêsu được các ngài hoạ lại trong ngày sống của họ. Đây cũng chính là điều mà Chúa Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta. Tuy nhiên, một trong những điều cần được chúng ta hoạ lại, đó là thái độ sẵn sàng tha thứ cho những người bắt bớ và làm chúng ta đau khổ. Bài đọc 1 hôm này trình bày cho chúng ta điều này nơi con người của Thánh Stêphanô. Trước giờ chết, chúng ta thấy Thánh Stêphanô lặp lại lời phó thác và tha thứ của Chúa Giêsu trên thập giá: “Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con” (Cv 7:59; x. Lc 23:46) và “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này” (Cv 7:50; x. Lc 23:34).

Ai trong chúng ta cũng phải nhận rằng một trong những điều khó làm nhất trong cuộc sống là nói lời “xin lỗi.” Tuy nhiên, nói lời xin lỗi đã khó, nói lời tha thứ còn khó hơn. Tha thứ cho người thân, cho người mình thích thì dễ hơn tha thứ cho kẻ thù. Sự tha thứ chỉ có thể khi chúng ta không còn tập trung vào những nỗi đau người khác làm cho mình, nhưng tập trung vào Chúa Giêsu, vào việc “hoạ lại tình yêu” tha thứ của Ngài dành cho mỗi người chúng ta. Vì khi càng tập trung vào ni đau thì chúng ta càng cảm thấy đau hơn vì vết thương càng bị “cào xé,” và khi chúng ta không còn tập trung vào ni đau, thì những vết thương sẽ bắt đầu được chữa lành.

Bài đọc 1 kết thúc với câu chuyện của Thánh Stêphanô và giới thiệu câu chuyện của một người “tán thành việc giết ông Stêphanô” (Cv 8:1a), đó là Saolô. Chi tiết này khuyến cáo chúng ta về một thực tại trong cuộc sống: sự “tán thành” hay “cộng tác” của chúng ta vào những việc sai trái của người khác. Cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn khi chúng ta cộng tác với nhau làm điều tốt hơn là tán thành với việc làm không tốt của người khác.

Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục trình thuật về bánh hằng sống trong chương 6 của Tin Mừng Thánh Gioan. Ngày hôm qua, chúng ta đã nghe việc Chúa Giêsu mời gọi người Do Thái hãy làm việc cho lương thực trường tồn. Tuy nhiên, trước đó Ngài “trách khéo” họ về việc họ đến với Ngài không phải vì họ đã thấy dấu lạ, nhưng họ đến chỉ vì đã được ăn bánh “miễn phí” cách no nê. Nắm lấy cơ hội Chúa Giêsu nói đến dấu lạ, dân chúng liền tra vấn Ngài về dấu lạ Ngài làm mà họ không nhận ra. Người Do Thái nại đến Môsê để tra vấn Chúa Giêsu. Điều này làm cho cuộc đối thoại được xem là cuộc tranh luận về quyền của Chúa Giêsu và Môsê trong tương quan với người Do Thái: “Tổ tiên chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời” (Ga 6:31). Trong những lời này, chúng ta thấy có một sự liên kết giữa việc Chúa Giêsu làm phép lạ hoá bánh cho người Do Thái ăn với việc cha ông của họ ăn manna trong sa mạc. Đối với họ, việc ông Môsê “cho tổ tiên họ ăn manna” là dấu lạ. Còn việc Chúa Giêsu làm không phải là dấu lạ. Nên họ mới hỏi Ngài: “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây?” (Ga 6:30). Người Do Thái đã không nhận ra sự liên kết giữa dấu lạ Chúa Giêsu làm và dấu lạ của manna trong sa mạc. Nói cách cụ thể hơn, họ không thể liên kết việc Thiên Chúa nuôi cha ông họ trong sa mạc qua manna và việc Thiên Chúa ban cho họ bánh ăn qua “dấu lạ bánh hằng sống.”

Nhìn từ khía cạnh khác, chúng ta có thể nói rằng: Đối với Do Thái, việc ăn manna trong sa mạc là do ông Môsê ban cho tổ tiên của họ. Họ không thể vượt qua được cái nhìn về Môsê. Họ xem ông như “thực tại” và dừng lại đó, chứ không xem ông như là “dấu chỉ” hướng họ đến Đấng ban cho họ manna. Vì vậy, Chúa Giêsu đưa họ vượt qua cái nhìn về Môsê để nhận ra Thiên Chúa, Cha của Ngài là Đấng ban cho họ manna và sẽ ban cho họ bánh bởi trời: “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Môsê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian” (Ga 6:32-33). Trong cuộc sống, chúng ta cũng thường dừng lại ở “dấu chỉ” hơn là thực tại, vì dấu chỉ thì thường có sức thu hút và quyến rũ hơn vì nó nhắm đến giác quan của chúng ta. Còn thực tại phía sau thì thường vô hình, không xuất hiện cho giác quan, nên nhiều khi không có sứ hấp dẫn chúng ta. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta rằng: chỉ khi đi vượt qua những gì giác quan thấy, chúng ta mới có thể đọc được những giá trị thiêng liêng dấu ẩn đằng sau. Người khôn ngoan thoả mãn với những gì họ thấy và trải nghiệm, nhưng đọc được ý nghĩa trong tất cả những gì họ thấy và trải nghiệm.

Khi nghe nói đến thứ bánh đem lại sự sống, người Do Thái dù không hiểu thứ bánh đó là gì vẫn “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy” (Ga 6:34). Họ cứ nghĩ là thứ bánh được làm từ lúa miến mà họ đã được ăn trong mấy ngày vừa qua. Chúa Giêsu khẳng định cho họ rằng, thứ bánh đó chỉ là dấu chỉ, vì “chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ! (Ga 6:35). Chúa Giêsu đưa họ đi từ tấm bánh nuôi dưỡng thân xác, nuôi dưỡng sự sống thể lý, đến tấm bánh mang lại sự sống vĩnh cửu. Nơi Chúa Giêsu, chúng ta sẽ không còn phải đói và khát. Cái đói và khát ở đây không phải là cái đói và khát của thể lý, nhưng là cái đói và khát của đời sống thiêng liêng, của tình yêu, tha thứ và ý nghĩa của cuộc sống. Thật vậy, chỉ trong Chúa Giêsu, chúng ta mới tìm thấy những gì chúng ta cần để có được một đời sống ý nghĩa và tràn đầy niềm vui.