img-detail
calendar 14/04/2024

Suy niệm Lời Chúa: Thứ Hai tuần III Phục Sinh

CHỈ CÓ MỘT VIỆC CẦN LÀM: TIN VÀO ĐỨC GIÊSU KITÔ

(Cv 6:8-15; Ga 6:22-29)

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB

Trong những ngày vừa qua, bài đọc 1 trình thuật cho chúng ta câu chuyện về Thánh Phêrô. Hôm nay, chúng ta nghe câu chuyện của Thánh Stêphanô. Như chúng ta biết, sách Công Vụ Các Tông Đồ kể lại cho chúng ta nghe về sứ vụ của các tông đồ và cộng đoàn tiên khởi. Một điều chúng ta nhận ra trong sách này là các Tông đồ và môn đệ của Chúa Giêsu phản chiếu cách trung thực đời sống của Chúa Giêsu qua cuộc sống của mình. Nói cách khác, họ lặp lại cuộc sống của Chúa Giêsu trong từng lời ăn tiếng nói và trong từng hành động của mình. Đó là điều chúng ta được mời gọi để suy gẫm.

Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta việc Thánh Stêphanô bị nhận bản án giống với bản án của Chúa Giêsu, đó là chúng tôi đã nghe hắn nói lộng ngôn xúc phạm đến ông Môsê và Thiên Chúa” (Cv 6:11). Thật vậy, đây chính là cáo trạng mà người Do Thái dùng để đóng đinh Chúa Giêsu. Tuy nhiên, đứng trước những nhân chứng giả và những lời cáo buộc của người Do Thái, Thánh Stêphanô vẫn phản chiếu v đẹp của thiên sứ trên thiên đàng: “Toàn thể cử toạ trong Thượng Hội Đồng đều nhìn thẳng vào ông Stêphanô, và họ thấy mặt ông giống như mặt thiên sứ” (Cv 6:15). Khi bị cáo buộc với những điều không phải, chúng ta phản ứng thế nào? Khuôn mặt của chúng ta có phản chiếu nét dịu hiền của Đức Giêsu Kitô, như các thiên sứ không? Khi gặp sự chống đối, chúng ta cần giữ thái độ bình thản và hiều dịu. Nếu không, chúng ta sẽ không phản chiếu cách trung thực hình ảnh của một tình yêu hiền lành và vô điều kiện của Thiên Chúa cho mọi người. Ai để cho tính nóng giận chiến thắng mình là người đã bại trận trước khi ra trận!

Trong những ngày vừa qua, chúng ta đang nghe Tin Mừng từ chương 6 của Tin Mừng Thánh Gioan. Đây là chương nói về việc Chúa Giêsu hoá bánh ra nhiều và cuộc “tranh luận” về Bánh Hằng Sống. Nhiều tác giả Kinh Thánh cho rằng, chương này trình thuật cho chúng ta về việc Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể trong tin Mừng Thánh Gioan [chúng ta không tìm thấy trình thuật về việc Chúa Giêsu thành lập Bí Tích Thánh Thể như trong Tin Mừng Nhất Lãm].

Đọc bài Tin Mừng hôm nay, điều đầu tiên gợi lên cho chúng ta là câu hỏi: Tại sao chúng ta tìm đến Chúa Giêsu? Chúng ta tìm thấy câu trả lời đúng nhất từ những lời Chúa Giêsu nói với người Do Thái. Một cách cụ thể, trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Gioan trình bày cho chúng ta cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với những người Do Thái sau khi được ăn bánh no nê và chứng kiến dấu lạ Ngài làm. Chúa Giêsu chỉ ra cho họ lý do họ tìm đến Ngài và điều Ngài mong ước khi họ đến với Ngài là gì. Đây cũng là điều Chúa Giêsu mời gọi chúng ta suy niệm hôm nay. Chúng ta chia bài Tin Mừng hôm nay thành 2 phần: Bối cảnh của đối thoại (Ga 6:22-24); nội dung cuộc đối thoại (Ga 6:25-27).

Bối cảnh (Ga 6:22-24): Sau khi Đức Giêsu cho năm ngàn người ăn no nê, các môn đệ thấy Người đi trên mặt Biển Hồ. Hôm sau, đám đông dân chúng còn đứng ở bờ bên kia Biển Hồ, thấy rằng ở đó chỉ có một chiếc thuyền và Đức Giêsu lại không cùng xuống thuyền đó với các môn đệ, nhưng chỉ có các ông đi mà thôi. Tuy nhiên, có những thuyền khác từ Tibêria đến gần nơi dân chúng đã được ăn bánh sau khi Chúa dâng lời tạ ơn. Vậy khi dân chúng thấy Đức Giêsu cũng như các môn đệ đều không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Caphácnaum tìm Người.” Sau dấu lạ hoá bánh ra nhiều, dân chúng trở về nhà, và ngày hôm sau họ trở lại để tìm Chúa Giêsu, tìm người đã cho họ ăn no nê. Thoáng nhìn, chúng ta thấy động lực của họ thật tốt: họ muốn “tìm Người.” Tuy nhiên, đây chỉ là động lực bên ngoài mà chúng ta có thể quan sát được, còn động lực bên trong chúng ta không thể thấy. Chúng ta phải nhờ đến cuộc đối thoại với Chúa Giêsu; và Ngài chỉ ra cho chúng ta động lực đích thật họ tìm Ngài không phải vì Ngài mà vì một điều khác, đó là “được ăn bánh miễn phí.” Điều này có ý nghĩa gì với cuộc sống chúng ta? Trong cuộc sống, thường chúng ta chỉ biết được động lực của một người qua việc quan sát những hành động bên ngoài. Chúng ta không thể biết được ý hướng bên trong của người đó. Vì vậy, chúng ta cần phải cẩn thận trong nhận định của mình. Chỉ có với con tim và ánh mắt của Chúa Giêsu chúng ta mới có thể có những nhận định đúng đắn về anh chị em của mình. Đừng xét đoán khi chúng ta không biết những gì người anh chị em của mình đang trải qua.

Đối thoại (Ga 6:25-29): Cuộc đối thoại xảy ra như sau:

[Khi gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ]

Người Do Thái:                “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?”

Chúa Giêsu: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.” 

Người Do Thái: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?”

Chúa Giêsu:           Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến.

Trong cuộc đối thoại này, chúng ta nhận ra hai điểm sau đây:

Thứ nhất, Chúa Giêsu không trả lời câu hỏi của người Do Thái, “thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?” Thay vì trả lời Chúa Giêsu như “khiển trách” họ và đưa họ vào trong thế giới nội tâm, nhìn lại động lực của mình. Trong câu trả lời của mình, Chúa Giêsu cho thấy rằng việc hoá bánh ra nhiều cho họ ăn là “dấu chỉ,” tức là ám chỉ một thực tại khác, trong khi họ chỉ dừng lại ở thực tại bên ngoài, đó là “họ đã ăn no nê.” Chúa Giêsu tiếp tục phân tích cho họ rằng lương thực họ ăn chính là lương thực mau hư nát, nó chỉ là “dấu chỉ” một của ăn đem lại phúc trường sinh mà chính Ngài trao ban, đó chính là Máu Thịt Ngài. Qua chi tiết này, chúng ta được nhắc nhở rằng: Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng không thể đi vượt qua những gì xuất hiện bên ngoài để đọc được sứ điệp bên trong của sự kiện. Mỗi một sự kiện vui hoặc buồn xảy ra trong cuộc đời của chúng ta đều chứa đựng một sứ điệp Thiên Chúa muốn nói với chúng ta. Chỉ những người không dừng lại ở sự kiện mới có thể đọc được sứ điệp đó.

Thứ hai, có sự khác biệt giữa suy nghĩ của Chúa Giêsu và người Do Thái. Khi Chúa Giêsu nói họ phải “làm việc” cho lương thực trường tồn họ liền nghĩ ngay đến “những việc Thiên Chúa muốn.” Họ nghĩ đến việc theo số nhiều. Nhưng Chúa Giêsu chỉ cho họ biết rằng, chỉ có một việc quan trọng mà Thiên Chúa muốn họ làm, đó là tin vào Ngài. Qua câu trả lời này, Chúa Giêsu đưa chúng ta về với thực tại của cuộc sống hằng ngày. Chúng ta thường tự hào mình làm được nhiều việc. Chúng ta bận rộn với “những công việc” của chúng ta đến ni chúng ta không còn giờ để dành cho Chúa và cho người thân của mình. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đặt lại giá trị của cuộc sống. Chúng ta làm nhiều việc là tốt. Nhưng những việc chúng ta làm phải mang lại cho chúng ta cuộc sống trường sinh. Đừng chỉ dừng lại ở cuộc sống trần thế vì quê hương thật của chúng ta ở trên trời.